TẠO HỨNG THÚ HỌC TẬP CHUẨN BỊ CHO BÉ VÀO LỚP 1
Hãy tạo cho con sự hào hứng trong những ngày đầu. Và nuôi dưỡng nó để đi học với con là sự thích thú, tự giác. Đừng để nó thành những chuỗi ngày dài nhắc nhở, hò hét, sự đấu tranh giữa mẹ và con… trong suốt cả 12 năm học sau này. Để làm được điều đó, nó đòi hỏi tình yêu, sự nhẫn nại, pha lẫn kiên quyết và kiến thức của mẹ để áp dụng đúng phương pháp. Và bài viết này mong được chia sẻ với các mẹ những phương pháp đó.
1/ CHUẨN BỊ: Mẹ ơi, hãy chuẩn bị cho con từ trước khi vào lớp 1 nhé!
Vì bé đang quen với môi trường mẫu giáo "chơi là chính", các bé sẽ rất bỡ ngỡ với lớp một phải học tập nghiêm túc, có sách vở, bàn ghế, phấn bảng... Muốn trẻ yêu lớp, yêu trường, cha mẹ cần làm cho con cảm thấy việc đi học không quá đáng sợ. Ngoài ra, con cần hiểu học là quyền lợi và nghĩa vụ.
Dưới đây là quy trình đưa con vào lớp 1. Nếu cha mẹ tuân thủ nghiêm túc sẽ giúp con cảm thấy thích đi học, tạo tiền đề tốt cho 12 năm đèn sách sau này.
Bước 1: Làm quen với trường học
Khi con được 5 tuổi, cha mẹ nên bắt đầu cho con làm quen với trường học. Nỗi háo hức và tò mò khi thấy các anh chị vào ngôi trường mà mình chưa được vào cũng là một động lực để bé cảm thấy thích trường học. Mỗi khi đưa con qua các cổng trường tiểu học, cha mẹ nên chỉ cho con và nói: “Đây là trường tiểu học, khi nào con 6 tuổi, con sẽ được vào đó học, con nhé”. Nghe câu giới thiệu như vậy, chắc chắn các bé sẽ háo hức vô cùng và cảm thấy mình sao mãi không đủ 6 tuổi để đi học.
Bước 2: Kể chuyện về trường tiểu học
Với con, trường tiểu học là nơi hoàn toàn lạ lẫm. Nó có thể vô cùng nguy hiểm, nó cũng có thể rất dễ thương. Nghĩ về trường tiểu học, con sẽ vô cùng hoang mang. Những câu chuyện kể về trường tiểu học của bố mẹ sẽ giúp con định hình rõ ràng hơn về một nơi mà con sắp đến. Những câu chuyện đó sẽ là:
- Kỷ niệm vui, buồn của cha mẹ khi còn học tiểu học.
- Kỷ niệm về thầy cô giáo.
- Kỷ niệm về bạn bè.
- Mô tả của cha mẹ về các đồ dùng trong nhà trường, các cán bộ công nhân viên trong trường.
- Mô tả về lớp học, về đội thiếu niên tiền phong, về sao nhi đồng, về giờ chào cờ, giờ lên lớp, giờ ra chơi, giờ ngoại khóa….
Bước 3: Kể cho con nghe về ngôi trường mà con sắp theo học
Đây là bước vô cùng quan trọng, nếu không có nó, con sẽ vô cùng hoang mang. Hãy kể cho con nghe về những lớp học hiện đại, những góc sân vui chơi dễ thương, những phòng thư viện, phòng máy tính có ở trong trường.
Sau đó, cha mẹ hãy đưa con đến trường để tham quan ít nhất hai lần trước khi con chính thức bước vào cánh cổng trường với tư cách học sinh. Với lời giới thiệu kỹ càng như vậy, con sẽ cảm thấy trách nhiệm học tập của mình rất rõ ràng và cảm thấy mình đúng là một thành viên của ngôi trường dễ thương kia.
Bước 4: Biến ngày đầu tiên đến trường tiểu học của con thành một ngày hội
Đưa con đi sắm sửa đồ dùng học tập: Để con có thêm động lực học tập, cha mẹ hãy đưa con đi chọn và sắm sửa đồ dùng học tập. Nếu tự tay con được chọn lựa cuốn tập, hộp bút với màu sắc – hình ảnh mà bé yêu thích, chắc chắn con sẽ cảm thấy hào hứng gìn giữ những thứ đó và có trách nhiệm học tập hơn.
Bọc vở và sắp xếp đồ dùng học tập: Thường thì các thầy cô giáo bảo cha mẹ làm giúp con. Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến con không tự giác. Cha mẹ nên hướng dẫn con tự làm và tự bảo quản đồ dùng. Khi con tự làm, con sẽ thêm yêu quý đồ dùng học tập của con.
Chuẩn bị tổ chức ngày hội: Vì ngày đầu tiên đi học của con là vô cùng quan trọng. Để con thích đến trường, cha mẹ đừng quên tổ chức ngày đầu tiên quan trọng đó thành một ngày hội. Các thứ cần chuẩn bị sẽ là:
- Mua một món quà nhỏ, có thể là cái bánh, cái kẹo tặng ngay sau khi con vừa xong buổi khai giảng và được cha mẹ đón về.
- Một chùm bóng bay để con sử dụng trong lễ khai giảng.
- Một bông hoa thật đẹp để cài áo.
- Cha mẹ cũng nên chuẩn bị một bữa tiệc để chào đón con khi con vừa ở trường về sau lễ khai giảng, hoặc ít ra là một bữa ăn có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình với những món ăn mà con yêu thích.
Tiến hành ngày hội: Đây là một ngày lễ quan trọng, vì thế cha mẹ nên xin nghỉ việc để cùng nhau đưa con đến trường. Trong lễ khai giảng, nếu được phép, cha mẹ đề nghị nhà trường cho vào dự cùng con. Đây sẽ là điều con mong muốn và vô cùng thích thú.
Đưa con đến trường với sự háo hức. Bắt đầu từ bây giờ, con sẽ phải làm quen với áp lực học tập, áp lực bị trói buộc ngồi yên tại chỗ trong suốt nhiều tiếng đồng hồ. Con chán nản, phá phách là bình thường. Con sẽ không hào hứng đi học. Vì thế, một vài chiêu nho nhỏ sẽ giúp con kéo dài được sự háo hức của buổi đầu tựu trường. Cách làm đơn giản là: Buổi sáng đầu tiên sau khai giảng, cha mẹ hãy chuẩn bị một số bông hoa bằng giấy để con đi học về nhà sẽ dán hoa lên trên tờ lịch. Cứ mỗi ngày một bông hoa.
2/ BỐ MẸ CẦN CHUẨN BỊ TÂM LÝ GÌ?
Cha mẹ stress bởi thường hay quên việc học là nhiệm vụ của trẻ và cha mẹ quá khát khao thành tích. Khi vị giáo sư hỏi các phụ huynh tham gia buổi tư vấn dạy con học bài: "Trong số các vị ngồi đây, ai không hỏi con điểm khi con đi học về?" thì 100% im lặng và mỉm cười. 100% phụ huynh hỏi con về điểm. Thực chất, điểm là một trong các cách đánh giá quá trình tiếp thu bài học của học sinh. Điểm không đại diện cho sự thông minh hay ngu dốt. Điểm không thể hiện sự thành đạt trong tương lai cũng như sự trưởng thành của từng cá thể.
Học tiểu học, con cần biết cách nhận và thực hiện các nhiệm vụ của mình. Các con cần học cách sống trong tập thể, cách làm việc nhóm, cách phát triển tốt trong môi trường của bé nói riêng và môi trường sống của con người nói chung... Ngoài những nhiệm vụ nặng nhọc trên, trẻ cần biết cách làm tính (ở bậc tiểu học là rất đơn giản), viết đúng chính tả, biết cách sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để mô tả một sự vật hiện tượng. Như vậy, việc được điểm 10 trong tiểu học không đại diện cho một đứa trẻ "thần đồng" mà chỉ nói lên bé đã hoàn tất một nhiệm vụ trong lớp do cô giáo giao.
Hàng ngày, còn cực hình nào hơn là những đứa trẻ vẫn phải chịu đựng nghe người lớn ra rả giáo huấn: Tại sao con lười thế. - Không học thì sau này phải đi hốt rác, ăn xin à... vân vân và vân vân.